-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Thầy thuốc và cuộc chiến chống tin giả về Đông y
Ngày đăng: 17/07/2019Ngày nay gần như chúng ta ai cũng tham gia vào mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter… Các mạng xã hội này mang lại sự kết nối rộng lớn và cũng là nơi cung cấp thông tin thông tin khổng lồ.
Mọi người dành nhiều thời gian đọc thông tin trên facebook hơn là từ các trang báo chí, trong khi nguồn tin trên facebook rất khổng lồ và khó kiểm chứng, bất kì ai dùng facebook cũng có thể trở thành nhà báo, báo chí chính thống được kiểm duyệt và đáng tin cậy hơn đang chịu sự cạnh tranh từ mạng xã hội.
Trong bối cảnh đó, các thông tin y tế sai lệch, những lời đồn thổi được lan truyền đi rất nhanh, trong đó các tin thất thiệt trị bệnh bằng y học cổ truyền chữa bệnh bằng cỏ cây, thực dưỡng, nhịn ăn… rất được lòng cư dân mạng.
Tôi đã thấy một số thầy thuốc y học hiện đại đã và đang chiến đấu với vấn nạn này, còn lĩnh vực y học cổ truyền vẫn chưa được chú ý nhiều, và rất cần sự lên tiếng của các thầy thuốc nhằm mang lại hiểu biết đúng đắn cho người dân, làm cho cộng đồng hiểu biết những giá trị thực sự của y học cổ truyền, tránh xa những đồn thất thiệt làm hại tới tính mạng và sức khỏe.
Các thông tin y tế sai lệch, những lời đồn thổi được lan truyền đi rất nhanh trên các mạng xã hội
Một số loại fake news nổi bật có “dính líu” đến học cổ truyền
Điều trị ung thư
Bằng thực dưỡng, hoặc thần dược (vị thuốc nào đó hoặc ăn món nào đó…):
Theo y học cổ truyền, ung thư gồm “ung” và “thư” để chỉ chung các bất thường ngoài da như chàm, mụn nhọt… Theo y học hiện đại, ung thư là từ để chỉ một nhóm bệnh có chung một số đặc điểm là chúng đều là những tế bào của cơ thể, nhưng có sự tăng sinh và lan rộng các mô xung quanh. Các tế bào không theo cơ chế thay cũ đổi mới mà các tế bào già nua, bị lỗi, hư hại tiếp tục sống và phân chia mất kiểm soát tạo thành khối u. Sự bất thường này xảy ra ở bất kỳ loại tế bào nào của cơ thể.
- Bài thuốc đó trị ung thư theo nghĩa của Y học cổ truyền hay Y học hiện đại? Nếu bài thuốc của Y học cổ truyền trị ung thư theo nghĩa của Y học hiện đại thì có đúng mục đích là trị các vấn đề về rối loạn tế bào hay không?
- Người đưa ra/đăng bài thuốc đó có hiểu rõ ung thư là gì? Hiểu theo nghĩa y học cổ truyền hay y học hiện đại.
- Bản thân bài thuốc đó có đúng là bài thuốc chính thống của y học cổ truyền được ghi chép trong y văn hay không hay là bài thuốc trôi nổi không rõ nguồn gốc.
Trong điều trị ung thư, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng. Người bệnh vẫn cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng vì khi cơ thể khỏe mạnh, hệ thống miễn dịch tốt giúp ngăn chặn và phát hiện sớm các tế bào lạ. Cần ăn uống giàu chất dinh dưỡng, chống oxy hóa, gốc tự do tăng cường sức đề kháng, bệnh ung thư tiến triển chậm đi. Không nên nhịn ăn hoặc ăn các chế độ ăn nghèo dinh dưỡng như gạo lứt muối mè…
Bài thuốc y học cổ truyền hỗ trợ bệnh nhân ung thư:
Tùy thể trạng từng người bệnh mà dùng một trong các bài thuốc như sau.
Bài thuốc dùng hỗ trợ ung thư ở người trẻ như bài Bát trân (đương qui 12g; bạch thược 12g; bạch linh 12g; xuyên khung 6 - 8g; đại táo 2 quả; đảng sâm 12g; bạch truật 12g; thục địa 12g; chích thảo 2 - 4g; sinh khương 2 - 3 lát)). Bài thuốc được dùng để chữa chứng bệnh lâu ngày làm cho cơ thể suy nhược có hội chứng bệnh lý khí hư và huyết hư..
Còn dùng hỗ trợ ung thư ở người lớn tuổi:
- Lục vị (thục địa 20g; sơn thù 10g, trạch tả 8g, hoài sơn 10g, phục linh 8g, đơn bì 8g): Bài thuốc được dùng nhiều trên lâm sàng để chữa bệnh mạn tính như suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể có âm hư. Sờ bàn chân ấm.
- Bát vị (thục địa, hoài sơn, sơn thù, đơn bì, bạch linh, trạch tả, nhục quế, phụ tử) (dương hư): Bài thuốc được dùng nhiều trên lâm sàng để chữa bệnh mạn tính như suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể có dương hư, sờ tay chân thấy lạnh.
Đương qui được dùng trong bài thuốc dùng hỗ trợ ung thư ở người trẻ
Phong trào anti-vaccine
Phong trào này cho rằng vắcxin là thuốc độc (gây bệnh tật, tử vong, tự kỷ…), để giải độc vắcxin cần sử dụng các thực phẩm thực dưỡng hoặc uống loại tương “thần kỳ” để giải độc.
Thứ nhất, vắcxin là thành tựu y khoa của nhân loại, trước khi có vắcxin loài người chết rất nhiều vì các bệnh như thủy đậu, ho gà, uốn ván… Một nhóm người cho rằng để phòng ngừa các bệnh trên chỉ cần sử dụng thực dưỡng (các gói thực dưỡng họ bán sẵn) hoặc loại tương nào đó là phòng ngừa được tất cả các bệnh mà không cần đến vắcxin, hoặc lỡ “dại dột” chích vắcxin rồi, sử dụng các sản phẩm thực dưỡng của chúng tôi để giải độc.
Nền y học cổ truyền có bề dày lịch sử và giá trị không thể phủ nhận, tuy nhiên không phải bệnh gì y học cổ truyền cũng chữa được, những bệnh như thủy đậu, ho gà, uốn ván… trong lịch sử vẫn có tỉ lệ tử vong rất cao. Vắcxin là thành tựu của y học hiện đại đã giải quyết được vấn đề này.
Hơn nữa, thực dưỡng của y học cổ truyền nội dung chính chú trọng đến ăn uống cân bằng và đầy đủ dinh dưỡng, hướng đến cân bằng âm dương để cơ thể khỏe mạnh. Đối với các bệnh thủy đậu, ho gà, uốn ván… y học cổ truyền cũng có ghi nhận nhưng trong y văn chưa từng ghi nhận thực dưỡng hay các loại tương gì đó là phương pháp để phòng và chữa các bệnh này.
Người dân nên tỉnh táo, thực hiện tiêm phòng vắcxin đầy đủ theo khuyến cáo, ăn uống đầy đủ và cân bằng. Không có loại thực dưỡng nào thần thánh có thể phòng và chữa tất cả các loại bệnh.